Vào chùa, bạn thấy có nhiều người chắp tay niệm phật, bái lậy và cầu nguyện, một hình ảnh rất chi quen thuộc đúng không, nhưng để hiểu ý nghĩa rõ ràng của hành động này thì không hề đơn giản như bạn thấy. Sắc Bảo Ngọc xin gửi tới bạn bài viết : Hình ảnh chắp tay niệm phật đẹp, ý nghĩa chắp tay niệm phật
Ý nghĩa chắp tay niệm phật là gì ?
Chắp tay, nguyên tiếng Hán Việt là Hiệp chưởng. Tiếng Phạn là Ãnjali. Hiệp chưởng còn gọi là hiệp thập hay hợp trảo.
Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập 4 trang 2.863 có giải thích như sau :“Chắp 2 bàn tay, tập trung tư tưởng, cung kính lễ bái”. Đây là cách lễ bái từ xưa ở Ấn Độ, được Phật giáo thực hành theo.
Chấp tay là một trong những ấn tướng quan trọng của Phât giáo. Chấp tay được biểu hiện bằng hình thức là, hai bàn tay úp vào nhau, các ngón tay khít lại, lòng bàn tay rỗng không, trông như hình chiếc búp sen sắp nở.
Trên các bức tượng, phù điêu, họa ảnh… về Phật giáo ta thường thấy chư Phật, chư Bồ tát, Thánh tăng, tay thường bắt ấn quyết, đó là những ấn tướng thể hiện những ý nghĩa khác nhau trong giáo lý Đạo Phật. Trong những ấn quyết đó có một ấn quyết được thực hiện nhiều khi lễ Phật, vái Phật, xá chào… gọi là hiệp chưởng, nghĩa là hai lòng bàn tay úp vào nhau.
Thực ra, hành động chắp tay không chỉ xuất hiện từ khi Phật giáo ra đời, mà trước đó, trong xã hội Ấn Độ cổ, người Ấn Độ có quan niệm, tay phải là tay thần thánh, dành cho thần thánh, trong sạch và linh thiêng, tay trái là tay nhiễm ô, bất tịnh, trần tục. Nhưng nếu 2 tay hiệp lại làm một thì trở thành sự hợp nhất giữa phương diện thánh thiện và nhiễm ô, cho nên hiệp chưởng là biểu hiện bộ mặt chân thật nhất của con người. Nghĩa “Bất cấu bất tịnh” trong Bát Nhã Tâm Kinh chính là ý nầy. Chấp tay tượng trưng cho sự hợp nhất thánh thiện và nhiễm ô, dung thông thần thánh và trần tục. Phật giáo đã phát triển truyền thống này của Ấn Độ thành hiệp chưởng. Theo tinh thần Phật giáo, hai bàn tay chắp lại trước ngực, biểu thị lòng tôn kính, sự tập trung tư tưởng, thiền định, nhất tâm, tán dương và ca ngợi. Đồng thời, kế thừa và phát triển tư tưởng truyền thống, Phật giáo cho rằng, chắp tay có ý nghĩa dung hợp các phạm trù đối lập, biểu thị thật tướng của vũ trụ vạn pháp, tìm về với bản nguyên chân diện mục của pháp giới.
Chỉ riêng về ấn tướng hiệp chưởng này, trong giáo lý Phật giáo đã được nhắc đến trong nhiều Kinh. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện, dạy: “cung kính hiệp chưởng lễ”, chắp tay là thể hiện sự kính lễ được phát khởi. Tiếp đến, trong Quán Vô Lượng thọ Kinh nói, chắp tay biểu thị cho sự ca ngợi, tán thán công đức chư Phật và chư Bồ tát. Theo Kinh Đại Nhật, tay phải tượng trưng cho Tuệ, tay trái tượng trưng cho Định, chắp tay biểu trưng cho Định và Tuệ nhất như, đồng hiện. Mười ngón tay tiêu biểu cho mười pháp giới. Quán tưởng thập pháp giới trong hai bàn tay úy lại. Chắp tay chính là thâu nhiếp loạn tâm, tập trung tư tưởng nhất tâm hướng Phật, tâm và hành thống nhất, lý và sự tương ứng. Chỉ là một cái chấp tay, nhưng thâu nhiếp tất cả giáo lý Phật Đà. Nếu chấp tay mà tâm tĩnh tại, không tán loạn, thiền định, dẹp bỏ mọi tạp niệm, quán tưởng Như Lai, thấy được vạn pháp dung thông, bất nhị ấy là đã chứng nhập vào cảnh giới Niết Bàn.
Trong Đại Nhật Kinh sớ, quyển 13, nói đến 12 loại hiệp chưởng:
1- Kiên thực tâm hiệp chưởng (hai tay chắp chặt vào nhau các đầu ngón tay bằng nhau).
2- Không tâm hiệp chưởng (hai tay chắp lại, các đầu ngón tay bằng nhau, hơi rỗng ở giữa).
3- Vi khai liên hoa hiệp chưởng (các ngón tay bằng nhau chắp lại, lòng bàn tay phình ra hình hoa sen búp).
4- Sơ cát liên hoa hiệp chưởng (chắp tay 2 ngón cái và 2 ngón út dính lại, các ngón kia hở ra, giống như hoa sen hàm tiếu).
5- Hiển lộ hiệp chưởng (hai bàn tay chạm đầu, ngửa lên).
6- Trì thủy hiệp chưởng (hai tay cũng ngửa lên như trước, dáng khum lại như đang vốc nước).
7- Quy mạng hiệp chưởng (đặt ngón của bàn tay mặt lên trên ngón của bàn tay trái).
8- Phản xoa hiệp chưởng (hai tay chắp ngược đầu nhau đặt tay phải lên tay trái).
9- Phản bối hỗ tương hiệp chưởng (lưng 2 bàn tay đâu nhau, tay phải để ngửa trên lưng bàn tay trái).
10- Hoành trụ chỉ hiệp chưởng (hai bàn tay nằm ngửa, đầu 2 ngón trỏ đụng nhau).
11- Phúc thủ hương hạ hiệp chưởng (hai bàn tay nằm úp, đầu 2 ngón trỏ đụng nhau).
12- Phúc thủ hiệp chưởng (hai bàn tay úp xuống hai ngón cái chạm nhau).
Mười hai loại hiệp chưởng nầy đều có ý nghĩa sâu xa khác nhau.
Trong đời sống tu hành hằng ngày của những người con Phật, những tín đồ Phật tử, khi gặp nhau họ cũng chắp tay chào hỏi nhau. Ngoài những ý nghĩa kinh điển như đã nói ở trên, hành động đó còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn khác. Người đối diện mình đây có thể là một con người bình thường, hay một vị tu hành mật hạnh, một vị Thánh Tăng cao đạo, hay biết đâu là một vị Bồ tát thị hiện, nên chắp tay xá chào người là hành động không chỉ thể hiện sự khiêm từ, kiệm đức, mà còn là sự cung kính trước một chủng tử Bồ Đề, một hiện thân của chư Phật, một con người có hạt giống tâm thiện lành có thể sẽ thành Phật trong kiếp vị lai. Với những người sơ cơ trên đường Đạo, thì chắp tay chào hỏi còn mang ý nghĩa khuyến tấn, thức tỉnh “búp sen xin tặng người, một vi Phật tương lai”. Như vậy, ngoài ý nghĩa kiết ấn, hiệp chưởng còn mang nét đẹp văn hóa sâu sắc, đặc thù của Phật giáo.
Sau đây là 16 ý nghĩa của chắp tay:
1. Hai bàn tay khép lại biểu thị cho hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và hợp tác, không tranh đấu và không làm tổn thương người khác.
2. Khoảng trống giữa hai lòng bàn tay biểu thị lý chân không, ý nghĩa là chúng ta phải ngộ nhập tính Không của vạn pháp.
3. Hai lòng bàn tay khép lại với nhau biểu thị hai tay chấm dứt vọng động, không còn phan duyên, không còn tạo nghiệp vì tham, sân, si.
4. Mu bàn tay hướng ra ngoài biểu thị ngoại cảnh lục trần, lòng bàn tay hướng vào trong biểu thị giác tâm bồ đề, vì vậy chắp tay còn có ý nghĩa là đi ngược cảnh trần, tìm về giác tâm.
5. Tay phải, tay trái là do vọng tưởng, chấp trước mà có. Kỳ thực phải hay trái đều là giả danh, đều là hư vọng. Chắp hai tay làm một, không còn có phải trái, rời tướng phân biệt, bình đẳng nhất như.
6. Mười ngón tay khép lại với nhau biểu thị mười pháp giới quy về nhất tâm, tất cả đều do tâm tạo, tất cả đều từ tâm mà biến hiện ra.
7. Mười ngón tay biểu thị mười phương, chắp lại trước ngực, có nghĩa là chúng sanh trong mười phương đều bình đẳng, cũng có nghĩa là nhiếp thủ chúng sanh trong mười phương quy hướng Phật đạo. Mười ngón tay còn biểu thị cõi Phật trong mười phương, chắp lại trước ngực, có nghĩa là cúng dường chư Phật, Bồ-tát trong mười phương bằng tâm cung kính, cũng có nghĩa là nhiếp thủ công đức của cõi Phật trong mười phương để trang nghiêm tự tâm, thành tựu căn lành.
8. Phật tử gặp nhau chắp tay niệm “A Di Đà Phật” chính là quy hướng biển nguyện nhất thừa của đức Di Đà, bất thoái thành Phật. Cũng biểu thị cõi Phật mười phương cùng xưng tán A Di Đà Phật, cùng tuyên dương pháp môn Tịnh Độ.
9. Mười ngón tay chắp lại trước ngực biểu thị chúng ta phải tu mười ba-la-mật mới có thể thành Phật. Ngoài ra, mười huyền môn Hoa Nghiêm hay mười nguyện vương Phổ Hiền đều biểu thị sự viên mãn; cho nên, mười ngón tay chắp lại chính là biểu thị khả năng viên thành Phật quả.
10. Tay trái thường tĩnh, biểu thị “thông hiểu”; tay phải thường động, biểu thị “thực hành”; hai tay chắp lại biểu thị hiểu và hành hợp nhất, có như vậy mới thành tựu được vô thượng bồ đề.
11. Tay trái thường tĩnh, biểu thị “tự giác” (tự mình giác ngộ); tay phải thường động, biểu thị “giác tha” (giúp cho người khác giác ngộ); hai tay chắp lại biểu thị kết hợp tự giác với giác tha, có như vậy mới là hành giả Bồ-tát, có như vậy mới được giác hạnh viên mãn.
12. Tay trái biểu thị nguyện, tay phải biểu thị hạnh, hai tay chắp lại biểu thị nguyện và hạnh hợp nhất, lấy nguyện để khởi hạnh, lấy hạnh để chứng nguyện, có như vậy đại nguyện mới viên thành.
13. Hai tay chắp lại biểu thị các pháp bình đẳng, không phân cao thấp. Thiền tịnh không hai, tịnh mật chẳng khác, tuy phương pháp bất đồng, nhưng bản chất giống nhau, cùng chung một mục đích.
14. Hai tay trái phải hợp thành một thể biểu thị lý “không hai”. Phiền não và bồ đề không hai, tự hành và hóa tha không hai, tự Phật và tha Phật không hai, tánh và tướng không hai…
15. Chắp tay chính giữa ngực biểu thị lý trung đạo, không chấp vào hai bên như: thường hay đoạn, không hay có.
16. Hai tay chắp lại giống như nụ hoa chưa nở, biểu thị nhân địa tu hành. Khi hoa nở cũng là lúc thành tựu bồ đề.
Hình ảnh chắp tay niệm phật đẹp, ý nghĩa nhất
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết Hình ảnh chắp tay niệm phật đẹp, ý nghĩa chắp tay niệm phật, , Hãy luôn theo dõi Sắc Bảo Ngọc để cập nhật những thông tin mới nhất! Chúc bạn mọi điều tốt đẹp, mạnh khỏe và hạnh phúc.
Ý kiến bạn đọc (0)